Dưới quyền Lý Bảo Thần Trương_Hiếu_Trung

Giữa những năm Thượng Nguyên thời Đường Túc Tông (756 - 762), ông nhận chức Tả lĩnh quân trung tướng, gia Tả Kim Ngô Vệ tướng quân đồng chánh, rồi Điện trung giám; được ban tên là Hiếu Trung. Những năm sau đó, ông lần lượt nhận làm quân sứ hai vùng Phi Hồ, Cao Dương. Lý Bảo Thần thấy Trương Hiếu Trung cẩn trọng lại dũng cảm nên đem em vợ là Cốc thị gả cho, lại còn bổ nhiệm ông làm thống quân ở Dịch châu[7]. Ông ở Dịch châu hơn 10 năm, ân uy tỏ rõ, nhiều người kính phục.

Năm 775, nhân việc Tiết độ sứ Ngụy Bác[8] đem quân chiếm đất Tương, Vệ thuộc trấn Chiêu Nghĩa[9]; triều đình dự định đem quân thảo phạt. Lý Bảo Thần vốn mang hận vì Điền Thừa Tự giết em mình là Lý Bảo Chánh, nên cùng Tiết độ sứ Tri Thanh[10] Lý Chánh Kỉ xin triều đình vua Đường Đại Tông (762 - 779) đem quân thảo phạt. Điền Thừa Tự đem quân xâm phạm Ký châu[11], Lý Bảo Thần sai ông đem quân chống giữ. Thừa Tự thấy ông trên thành Ký châu, quân ngũ chỉnh tề, than rằng:Trương A Lao ở tại đây thì Ký châu không thể mưu tính được rồi, sau đó thì lui quân[5]. Về sau giữa Bảo Thần và Chu Thao ở Lư Long nảy sinh mối thâm thù, Bảo Thần liên cho Hiếu Trung làm Thứ sử Dịch châu, ngăn chặn quân của Chu Thao đến tấn công[12]. Về sau được tiến cử làm Thái tử tân khách, kiêm Ngự sử trung thừa, tước Phạm Dương quận vương.

Những năm cuối đời, Lý Bảo Thần ra sức củng cố thế lực, xây dựng chính quyền bán độc lập với nhà Đường; còn dự định cho con trai mình là Lý Duy Nhạc kế tục chức Tiết độ sứ. Thấy Duy Nhạc tuổi nhỏ yếu đuối, sợ con bị các tướng dưới quyền nổi dậy chống lại nên Bảo Thần tìm cách giết hết những tướng có thế lực, như thứ sử Định châu Trương Nam Dung, Thứ sử Triệu châu Trương Bành Lão... Lại sai sứ triệu Hiếu Trung đến Hằng châu, ông lo sợ bị giết nên cáo bệnh không đến. Bảo Thần sai em Hiếu Trung là Hiếu Tiết đến dụ bảo. Ông nói:

Chư tướng không có tội trạng gì mà liên tiếp bị giết. Hiếu Trung sợ chết nên chẳng dám đến, nhưng cũng không muốn làm phản...

Hiếu Tiết khóc nói: Anh không đi, tôi về trấn thì sẽ bị giết mất. Trương Hiếu Trung đáp rằng nếu đi thì hai anh em đều phải chết cả, còn nếu không đi thì Bảo Thần sẽ sợ thế lực của mình ở ngoài, không dám giết Hiếu Tiết. Quả nhiên dự đoán của ông là đúng[5]. Rốt cục thì Bảo Thần giết hơn 20 tướng, chỉ có Trương Hiếu Trung và thông gia với Bảo Thần là Vương Vũ Tuấn, thoát chết[13].